Trang chủ > Quân đội xây dựng kinh tế > Hành trình mang tên X260

Hành trình mang tên X260

Tháng Mười Hai 2, 2012

QĐND – Mùa bằng lăng nở hoa tím. Những người lính thợ quân khí X260 bâng khuâng nhắc lại với chúng tôi ngày khai sinh của đơn vị mình. Nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ ngày 5 tháng 6 năm 1962, Xưởng X260 thuộc Cục Quân khí, Tổng cục Kỹ thuật chính thức được thành lập. Đấy là thời điểm lịch sử đặc biệt; cách mạng Việt Nam thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng, bảo vệ miền Bắc XHCN và đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Năm mươi năm, một hành trình lặng lẽ, những người lính quân khí Xưởng X260 đóng góp tâm sức của mình vào sự nghiệp giải phóng đất nước và xây dựng bảo vệ Tổ quốc vĩ đại của dân tộc.

1. Những chiếc bao gói gắn với con tàu không số

Thế hệ lính thợ đầu tiên của Xưởng nay người còn, người mất. Những người còn sống như cụ Thân thì tuổi cũng đã xấp xỉ tám mươi và không nhiều lắm. Hồi ức của người cựu lính thợ ấy làm cho chúng tôi khá bất ngờ và thú vị. Bởi, đến bây giờ chúng tôi mới biết có những sản phẩm do X260 làm ra gắn với huyền tích con tàu không số đường mòn Hồ Chí Minh trên biển. Đó là những bao gói súng AK, CKC với tính năng chống ướt, chống ẩm, chống gỉ được người lính thợ quân khí X260 như cụ Thân làm ra để giao cho các con tàu không số. Tuy nhiên, thời bấy giờ việc này được giữ bí mật tuyệt đối, sau chiến tranh mới biết. Họ, những người thợ ấy còn làm ra cả két đựng đô-la (thật và giả) để chuyển tiền vào Nam. Vũ khí, trang bị, tiền bạc của hậu phương lớn miền Bắc chuyển vào miền Nam, qua những hải trình đầy sóng gió vẫn khô ráo nhờ những tấm bao gói, chiếc két được sản xuất ra từ Xưởng X260 đóng trên mảnh đất Đan Phượng, Hà Tây quê lụa.

Một góc Phân xưởng May trang cụ, X260, Cục Quân khí, Tổng cục Kỹ thuật. Ảnh: Phạm Hòa Thành.

Trước yêu cầu, nhiệm vụ chuẩn bị lực lượng cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và trong suốt những năm tháng bi hùng ấy, Xưởng X260 đã không ngừng chủ động nghiên cứu, cải tiến phương pháp bảo quản, bao gói, vận chuyển vũ khí trang bị, vật phẩm quân khí độc đáo, phù hợp với hình thức cơ động mang vác và điều kiện tác chiến, huấn luyện ở nước ta. Các sản phẩm như bao gói nổi, bao gói chìm, bao gói nửa nổi nửa chìm đã được sử dụng để vận chuyển vũ khí, hàng hóa trên biển, trên sông hay để tác chiến ở vùng sông nước như đồng bằng Cửu Long. Có lẽ, những người lính trận thời ấy, khi sử dụng vũ khí trang bị chiến đấu không mấy ai nghĩ tới chiếc bao, chiếc gói, chiếc két giữ khô ráo khẩu súng, viên đạn cho mình. Trong bài ca yêu nước hùng tráng, những người lính thợ luôn đứng ở vị trí hát bè trầm. Từ năm 1962 đến 1975, Xưởng đã tiếp nhận, bảo quản, sửa chữa và cấp phát cho các chiến trường miền Nam, chiến trường Lào hơn 170.000 tấn vũ khí, 15 tấn đạn, 2000 tấn vật tư, vật phẩm quân khí… Bàn tay người thợ X260 đã làm ra hơn 7 triệu hộp kim loại bảo quản vũ khí, khí tài, đạn dược; 600.000 túi PVC, PE bảo quản ngòi, liều đạn; 10.000 ống nhựa bảo quản đạn pháo cao xạ 57; hơn 15.000 cấu kiện xây dựng nhà kho; củng cố xây dựng gần 5000 mét vuông nhà xưởng, nhà kho sơ tán và nhà ở cho bộ đội. Ngoài ra, Xưởng còn tiếp nhận hơn 10.000 tấn sản phẩm thu hồi từ chiến trường gửi về và hàng do quân giới sản xuất…

2. Hết lòng vì Tổ quốc

Đất nước hòa bình. Những người lính quân khí X260 mang trên vai trách nhiệm nặng nề hơn giữa bao lo toan đời thường. Họ mang trong mình phẩm chất tốt đẹp của truyền thống và cả ký thác của thế hệ đi trước. Với họ, truyền thống “Chủ động, sáng tạo, tự lực, tự cường” của ngành kỹ thuật quân sự và “Tận tụy, dũng cảm, giữ gìn súng đạn, phục vụ đánh thắng” của ngành quân khí vẫn mãi mãi là lương tâm, tình cảm, trách nhiệm và hành động. Tôi đọc được điều ấy qua các cuộc chuyện trò, tìm hiểu với một số cán bộ, chiến sĩ, công nhân ở X260 như Đại tá, Giám đốc Nguyễn Khắc Hải; Đại tá, Chính trị viên Trịnh Tuấn Tho; Thượng tá, Phó giám đốc Trần Sĩ Đức; Trung tá, Chủ nhiệm chính trị Trần Quang Hiến; Trung tá, Trưởng Ban Kỹ thuật Ngô Minh Tuấn; Trung tá CN, Quản đốc Phân xưởng May trang cụ Đỗ Thị Kim Quế; Thiếu tá CN Lục Trọng Tấn…

Xin dừng lại một chút ở Lục Trọng Tấn. Một tấm gương sáng của Xưởng X260 hôm nay. Chàng kỹ sư có gương mặt hiền lành này người dân tộc Tày, quê ở Cao Bằng. Ba năm liền gần đây, anh là Chiến sĩ thi đua của đơn vị. Cái tên Lục Trọng Tấn gắn với sản phẩm mới của X260: Ống giấy bảo quản đạn cao xạ 37mm và 57mm. Một sản phẩm có giá trị thiết thực với việc bảo quản đạn pháo trong điều kiện nóng ẩm mưa nhiều như nước ta và đặc biệt với khí hậu biển đảo, Trường Sa. Tấn vốn là kỹ sư chế tạo máy nhưng anh đã mạnh dạn nhận đề tài này để cùng với đồng nghiệp nghiên cứu, chế tạo thành công ống giấy đựng đạn pháo như đã nói ở trên. Trong khi đó, Tấn và gia đình mình đang phải thuê nhà ở với số tiền 2,5 triệu đồng/tháng.

Cũng như Lục Trọng Tấn, thế hệ trẻ X260 hôm nay còn có những người lính thợ khác say mê cải tiến kỹ thuật như Thiếu úy Nguyễn Văn Huệ, Thiếu úy Nguyễn Đình Mạnh và Thiếu úy Hoàng Quốc Túy ở Phân xưởng Cơ khí-Cơ điện. Nhóm thanh niên này đã làm ra chiếc máy thổi thân hộp dầu AK làm tăng năng suất lao động lên 300%, chất lượng sản phẩm tốt và đẹp hơn, nhiệt năng tiêu thụ giảm từ 12,5KWh xuống còn 5,5KWh, tiết kiệm đáng kể vật tư do kiểm soát được chiều dài phôi cắt so với máy cũ. Sáng kiến đoạt giải nhất tại hội thi “Tuổi trẻ sáng tạo kỹ thuật” Cục Quân khí, TCKT năm 2011. Nhiều sản phẩm có chất lượng cao tương đương tiêu chuẩn nước ngoài (Mỹ, Trung Quốc) do người lính thợ X260 làm ra đã trang bị cho quân đội ta như ống giấy bảo quản đạn pháo (đã nói ở trên), bao băng súng tiểu liên AK, túi mang đạn cối 60mm, cối 82mm, túi mang đạn chống tăng B40, B41, túi mang đạn phóng lựu M79…

Những sản phẩm lớn nhỏ ấy góp phần quan trọng vào việc giữ gìn bảo quản vũ khí trang thiết bị Quân đội trong thời bình mà như ta đã biết là có yêu cầu cao hơn rất nhiều (về quy mô và thời gian) so với trong chiến tranh. Điều đáng nói hơn là nhờ có nhiều sáng kiến kỹ thuật (chỉ tính từ năm 2006 đến nay đã có hơn 60 sáng kiến) mà Xưởng X260 đã nâng cao chất lượng sản phẩm và tiết kiệm kinh phí cho Quân đội và Nhà nước.

Xưởng cũng là trường. Tại X260 này đã có những lớp đào tạo, bồi dưỡng trực tiếp nâng cao trình độ tay nghề cho hàng trăm thợ cơ khí, phục vụ kịp thời cho công tác bảo quản, bảo dưỡng và sản xuất. Xưởng cũng là nơi tham quan, thực hành cho hơn 500 lượt học viên là cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên trong Cục Quân khí và của nước bạn Lào. Đúng như Đại tá, Giám đốc Nguyễn Khắc Hải bộc bạch: “Ở X260 chúng tôi, thợ có lúc phải làm thầy, thầy có lúc phải làm thợ. Làm thầy, làm thợ đều phải nỗ lực hết mình làm tròn công việc được giao để không phải xấu hổ với lương tâm người lính quân khí của Bộ đội Cụ Hồ”.

Giữa không gian rợp mát bóng cây, có rất nhiều hoa lá, chim chóc, đường đi lối lại phong quang, một “khu liên hợp thể thao” gồm có sân quần vợt, cầu lông, nhà thi đấu bóng bàn hiện lên tạo ra một cảnh quan xanh sạch đẹp yên bình. Nếu như thêm được một bể bơi nữa thì thật hoàn hảo. Tuy nhiên, với một vùng quê đất chật người đông cách Hà Nội chừng vài chục cây số mà tạo được một cơ ngơi như thế này cũng đáng mừng rồi. Còn phải dành đất cho những công trình mới như xưởng may trang cụ rộng rãi, hiện đại đang chờ ngày khánh thành kia. Tôi thầm chia vui với những cô gái xinh xinh hiền hiền đang cặm cụi bên những bàn may; chỉ mấy hôm nữa thôi là các em sẽ được làm việc trong xưởng máy thoáng đãng cao rộng. Trong không gian mát mẻ, những giọt mồ hôi mặn mòi sẽ rơi ít hơn. Tôi đã cảm nhận được ở đây không khí lao động say mê và sự yên bình. Đi tới đâu cũng gặp ánh mắt và lời chào thân thiện của người lính quân khí. Một sự chan hòa, ấm áp thật nhẹ nhàng thanh thoát. Xin tạm gọi đó là môi trường văn hóa của những người lính thợ X260.

50 năm, một hành trình tốt đẹp của những người lính thợ Xưởng X260. Đơn vị đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều Huân chương Chiến công và ngày 21 tháng 5 năm 2012, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã ký quyết định tặng thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng ba cho Xưởng X260.

Nụ cười người lính quân khí sáng lên dưới những tán bằng lăng nở hoa tím ngát. Họ đang hướng tới ngày mai bằng những quyết tâm mới, ý tưởng mới, hành động mới mà nói như Đại tá, Chính trị viên Trịnh Tuấn Tho là: “Khắc sâu lời Bác Hồ dạy Vũ khí là mồ hôi, nước mắt của đồng bào, là xương máu của bộ đội… cán bộ công nhân chúng tôi sẽ hết lòng làm tròn nhiệm vụ được giao vì Quân đội, vì biển đảo, vì Tổ quốc Việt Nam thân yêu”.

Ghi chép của Nguyễn Hữu Quý
qdnd.vn